SAU COVID-19 LÀ ĐẠI DỊCH BỆNH TÂM THẦN?

19/02/2021 15:14

Chúng ta đang ở trong tâm dịch, và có thể là đại dịch, lo âu và suy kiệt. Nỗi lo về bản thân, gia đình, tài chính, và công việc đang vây bủa khắp hàng triệu người.

Có những người kể với tôi về dòng suy nghĩ muốn quay ngược thời gian và về những điều chưa đến. Họ cũng nói về những ý nghĩ hướng đến kế hoạch sẽ làm để thay đổi đời mình trong tương lai – nếu còn sống sau COVID-19.

Hãy nghĩ xem điều bất định này đang gây ra những gì cho người vốn có vấn đề cảm xúc bên dưới được kiểm soát tốt với sự chăm sóc (và thậm chí không chăm sóc). Những người này sẽ khổ sở nhiều hơn. Trong khi đó, người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức đang ổn sẽ biểu hiện nặng hơn với những stress kèm theo.

Giữ khoảng cách xã hội (social distancing) làm xáo trộn những thói quen hằng ngày của chúng ta. Với nhiều người, đó là không đi làm, không có thời gian với người mình thích, không đi xem phim hay xem biểu diễn, không được mua sắm theo ý mình, không đến trường. Cha mẹ có con ở nhà báo cáo tình trạng không cân bằng được khi phải làm việc ở nhà với trách nhiệm phải hoàn tất những nội dung dạy con ở nhà. Các bác sĩ ở tuyến đầu báo cáo tình trạng không có thiết bị bảo hộ đúng chuẩn, vốn chưa từng có tiền lệ, và nỗi lo về khả năng phơi nhiễm của gia đình mình với SARS-CoV-2.

Chúng ta nghe chuyện bệnh và thậm chí tử vong của một vài người trẻ và trung niên không có bệnh nền nào, nhưng không nhắc đến sự ra đi của những người lớn tuổi. Chúng ta đẫm lệ, và trở nên dễ tuyệt vọng và giận dữ. Cộng thêm ác mộng, lo âu tiến triển, mất ngủ và giảm tập trung.

Chúng ta xem tin tức về nhiều người đang tích trữ súng đạn, và một trường hợp người chết do sử dụng chloroquine không phải dược phẩm với ý định phòng ngừa COVID-19.

Tôi đã nói chuyện với Tiến sĩ Tâm lý Juliana Tseng, một nhà tâm lý lâm sàng tại New York, và cô kể rằng sự thổi phồng, sự thật một nửa, và thông tin sai từ một số phương tiện thông tin đại chúng đang làm mọi thứ tệ hơn. Tiến sĩ Tseng cũng nói thêm rằng sự thiếu phối hợp giữa chính quyền địa phương, bang và liên bang cũng làm gia tăng sợ hãi và sự thiếu thông cảm.

Nhìn vào tình cảnh lúc này, suy nghĩ đầu tiên của tôi đó là chúng ta đang chứng kiến một trận dịch sang chấn (tâm lý – ND) ở cấp độ quốc gia (a national epidemic of trauma). Đặc biệt, những gì chúng ta có ở đây là bức tranh lâm sàng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn).

PTSD được định nghĩa rõ là một rối loạn sang chấn với những nứt vỡ thực sự hay tri nhận được trong cuộc sống. Sự cách ly (isolation, cách đang được thực hiện để “làm dẹt đường cong” hay làm chậm lây lan COVID-19), mặc dù chiến lược này đem lại lợi ích tốt nhất cho cá nhân và sức khỏe công cộng, nó cũng gây đau khổ và căng thẳng. Nhiều người trò chuyện với tôi kể về nỗi thất vọng, cảnh hồi tưởng (flashback) những trải nghiệm trong đời sống quá khứ cộng với cảnh hồi tưởng về việc mắc bệnh. Né tránh, dù rằng trường hợp này là né tránh theo kế hoạch, cũng là một phần trong phức hợp PTSD.

Chúng ta, những chuyên gia sức khỏe tâm thần, có thể làm gì để giúp giảm nhẹ bớt nỗi khổ đau này?

Trước hết, dĩ nhiên chúng ta phải lắng nghe các chuyên gia khoa học và nghe theo dữ liệu – và nhắc mọi người cũng nên như thế. Hầu hết các chuyên gia sẽ nói rằng bệnh do COVID-19 là nhẹ hoặc vừa phải đối với phần lớn mọi người.

Chúng ta cũng phải khuyên người khác theo dõi các khuyến cáo đưa ra bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), như giữ khoảng cách với mọi người, rửa tay, và tránh tiếp xúc với người ốm. Giải thích với mọi người rằng, cho đến hiện tại, chưa có vaccine phòng COVID-19. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, và một số thử nghiệm thuốc đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta có thể giúp người khác khỏe mạnh hơn bằng những kỹ năng với mục đích làm tăng khả năng thư giãn và hướng đến những góc độ tích cực hơn của cuộc sống để phá vỡ chuỗi stress và căng thẳng của lo âu cũng như kiểm soát PTSD.

Trong hơn 40 năm qua, tôi đã giúp nhiều người nắm vững các kỹ thuật thư giãn và tưởng tượng theo hướng dẫn. Khi được hướng dẫn đúng cách, nhiều người có thể tự mình sử dụng những kỹ thuật này.

Khởi đầu, tôi sẽ hướng dẫn cách thư giãn sử dụng phương pháp ba điểm (three-point method):

Chọn tư thế thoải mái trên ghế tựa, và đếm chậm từ một đến ba. Khi đếm đến một, hãy “xoay mắt hướng lên trên về phía đỉnh đầu.”

Khi đếm đến hai, “nhắm mắt và hít sâu.”

Đến ba, thở ra chậm rãi, thả lỏng đôi mắt, và tập trung vào cảm giác thư thái đang lan tỏa.

Để trong khoảng 30 giây đến một phút.

Đếm ngược, từ ba đến hai đến một và mở mắt ra.

Người thực hành sẽ cảm nhận được sự dễ chịu và thư thái.

Sau bài tập này, hãy đến mức độ tiếp theo và không chỉ là thư giãn. Trong bài tập dưới đây, người thực hành có thể vào trạng thái thư giãn bằng cách tưởng tượng một cảnh phim. Yêu cầu người thực hành làm hai việc:

1. Tập trung vào một cảnh phim tưởng tượng và chiếu về bất cứ cảnh vui nào mà bạn muốn; đây là cảnh phim của bạn. Bạn sẽ cảm thấy mình ngày càng được thư giãn. Có thể thực hiện một, hai, ba hoặc bao nhiêu lần trong ngày cũng được. Bài tập có thể kéo dài 1 hoặc 5 phút.

2. Kết hợp với cách thư giãn đếm 1, 2, 3 ở trên, để cho bản thân trôi trong trạng thái thư thái và bước vào cảnh phim của bạn. Bây giờ, trên màn hình, hãy tưởng tượng có một đường kẻ ở giữa, và về phía bên trái, hãy chiếu những nỗi bận lòng và lo lắng và sợ hãi của bạn. Lý tưởng là chỉ xem mà không sống trải với chúng. Sau đó chuyển sang bên phải màn hình, và một lần nữa, hình dung ra bất cứ cảnh vui nào mà bạn muốn. Thực hiện 1 hay 5 phút đều được.

Bạn sẽ nhận thấy cảnh vui bên phải màn hình sẽ vượt qua được cảnh lo âu bên trái, theo đó, trong phần lớn các trường hợp, niềm vui sẽ thắng được nỗi lo. Với nhiều người, những kỹ thuật này đã được chứng minh là rất hữu ích – dù vấn đề là lo âu hay sợ hãi – hay cả hai. Theo kinh nghiệm của tôi, những kỹ thuật này là một khởi đầu tốt cho việc kiểm soát PTSD và điều trị nó thành công.

Có thể chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất mà nước Mỹ từng gặp phải kể từ đại dịch 1918, còn gọi là dịch cúm Tây Ban Nha. Phong tỏa, cách ly, và hàng loạt những xáo trộn khác có thể dẫn đến việc khó cảm thông. Thực ra, sẽ là kì lạ nếu chúng ta không có những cảm xúc dữ dội khi ở trong tình cảnh quá mức như thế. Cuộc sống sẽ tốt hơn! Trong khi chờ đợi, hãy khuyến khích mọi người hy vọng, cầu nguyện, và dùng những kỹ thuật thư giãn và phương pháp tưởng tượng theo hướng dẫn để giúp kiểm soát lo âu, stress và các vấn đề liên quan PTSD. Những phương pháp này có thể đem lại cho tâm trí và cơ thể chúng ta những thời gian thư giãn và hồi phục, và sau hết, làm ta tĩnh tâm.

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí - Ý kiến của Bác sĩ Robert T. London, đăng trên Medscape

Link gốc: https://www.medscape.com/viewarticle/927849#vp_2

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook