RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ATTENTION-DEFICIT HYPERACTIVITY DISORDER (ADHD)

12/05/2022 23:05

RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý LÀ GÌ (ADHD)?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một nhóm hành vi. Còn được gọi là Rối loạn giảm chú ý (ADD). ADHD thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em. Người bệnh thường gặp vấn đề về sự chú ý ở trường học, ở nhà hoặc trong công việc. Mặc dù hộ cố gắng tập trung, thì cũng khó chú ý. Trẻ em mắc ADHD có thể năng động hơn bình thường hoặc xung động hơn so với tuổi. Những hành vi này gây ra các vấn đề về tình bạn, học tập và ứng xử. Do đó, trẻ ADHD đôi khi bị coi là “khó khăn” hoặc có vấn đề về ứng xử.

Hầu hết chúng ta đều biết sự ảnh hưởng của ADHD đến trẻ em nhưng không để ý đến ADHD cũng ảnh hưởng ở người trưởng thành. Người lớn mắc ADHD thường được chẩn đoán và phát hiện từ khi còn nhỏ. Để người lớn được chẩn đoán ADHD, các triệu chứng của họ phải phát triển trước tuổi 12. ADHD có thể di truyền trong gia đình. Tăng động thường gặp hơn ở các bé trai. Tuy nhiên, các triệu chứng khác (đặc biệt là giảm chú ý) thường gặp ở các bé gái. Một số người ADHD cũng đồng mắc những bệnh lý khác. Đó có thể là mất khả năng học tập, lo âu, trầm cảm, rối loạn bướng bỉnh chống đối (ODD), rối loạn lưỡng cực, và hội chứng Tourette. Những tình trạng này cũng có thể bị nhầm với ADHD, do đó cần thiết phải được chẩn đoán bởi chuyên gia.

Trẻ em mắc ADHD có thể năng động hơn bình thường hoặc xung động hơn so với tuổi. Những hành vi này gây ra các vấn đề về tình bạn, học tập và ứng xử. Do đó, trẻ ADHD đôi khi bị coi là “khó khăn” hoặc có vấn đề về ứng xử.

TRIỆU CHỨNG CỦA RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD)

Người mắc ADHD gặp khó khăn trong việc tổ chức sự việc, lắng nghe các chỉ dẫn, ghi nhớ chi tiết, và/hoặc kiểm soát hành vi của bản thân. Điều này làm cho người mắc ADHD khó hoà đồng được với những người khác ở nhà, ở tường học, hoặc trong công việc.

Một người ADHD thường khó chú ý sẽ có nhiều hơn hoặc bằng 6 triệu chứng dưới đây:

  • Khó làm theo các chỉ dẫn
  • Khó duy trì sự chú ý trong công việc hoặc các hoạt động vui chơi ở trường, công việc, ở nhà
  • Làm mất nhiều thứ cần thiết trong hoạt động cuộc sống
  • Tỏ vẻ thiếu lắng nghe
  • Không chú ý được các chi tiết
  • Kém tổ chức
  • Gặp vấn đề với các nhiệm vụ cần lên kế hoạch trước
  • Quên nhiều thứ
  • Dễ bị sao nhãng

Một người ADHD có tăng động hoặc xung động sẽ có ít nhất 6 triệu chứng:

  • Bồn chồn, lăng xăng
  • Chạy, leo trèo không phù hợp hoàn cảnh
  • Không thể chơi một cách trật tự
  • Nói năng thiếu suy nghĩ
  • Hay chen vào người khác
  • Nói quá nhiều
  • Luôn luôn di chuyển
  • Gặp vấn đề khi phải chờ đợi đến lượt

NGUYÊN NHÂN CỦA TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý?

Người mắc ADHD không đủ các hoá chất thần kinh tự nhiên ở các vùng não quan trọng cần thiết cho việc tổ chức tư duy. Không đủ các hoá chất tự nhiên này, những vùng não trên sẽ không hoạt động tốt. Đây được cho là nguyên nhân của ADHD. Sự thiếu hụt này có thể do gene (các nghiên cứu cho thấy ADHD phổ biến ở những người có người thân trong gia đình cũng mắc rối loạn này), môi trường và sự phát triển cơ thể. Các nghiên cứu hiện nay cũng cho thấy sự liên hệ giữa việc hút thuốc lá và lạm dụng các chất kích thích tâm thần trong thai kì với ADHD. Phơi nhiễm với những độc chất từ môi trường, như Chì, cũng là một tác nhân.

ADHD không phải do việc ăn nhiều thực phẩm chứa đường.

CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý NHƯ THẾ NÀO?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán ADHD dựa trên những thông tin về các hành vi của trẻ. Việc này có thể cần thông tin từ nhiều người biết về trẻ (thầy cô giáo, người chăm sóc). Bác sĩ cũng có thể dựa trên những bảng câu hỏi kiểm tra được thiết kế dành riêng cho bố mẹ hoặc thầy cô giáo về biểu hiện của trẻ để phục vụ cho chẩn đoán. Điều này giúp cho BS và gia đình so sánh các hành vi của trẻ với các trẻ khác.

Hiện nay nhiều người tự chẩn đoán dựa trên các câu hỏi ngắn hoặc các bảng kiểm họ tìm thấy trên tivi hoặc tạp chí, điều này không tốt. Tốt nhất bạn nên đến gặp BS để được chẩn đoán. Một số câu hỏi BS thường hỏi trong lúc khám bệnh:

  • Bạn có gặp phải vấn đề về chú ý và tăng động? Những vấn đề này có phải có từ lúc bạn còn nhỏ?
  • Bạn có gặp khó khăn khăn để giữ sự bình tĩnh hoặc tâm trạng tốt?
  • Bạn có gặp vấn đề trong việc tổ chức sắp xếp hoặc đúng giờ không?
  • Những vấn đề này có xảy ra với bạn ở trường, nơi làm việc và ở nhà không?
  • Người thân và bạn bè bạn có thấy rằng bạn đang gặp những ván đề này không?
  • Bạn có bất kỳ vấn đề nào về thể chất hoặc tâm thần có thể ảnh hưởng đến hành vi của bạn không? (BS có thể thăm khám hoặc làm các xét nghiệm để xem bạn có vấn đề nào về sức khoẻ có biểu hiện giống ADHD hay không?)

Bác sĩ có thể  khám thị lực và thính lực của con bạn nếu chưa được khám gần đây. Một người mắc ADHD sẽ có các triệu chứng ít nhất trong 6 tháng.

Việc chẩn đoán đôi khi phức tạp. Nhiều trẻ ADHD không thể hiện sự tăng động tại phòng khám. BS có thể hỏi bạn để hoàn thành bộ câu hỏi về các kiểu hành vi của con bạn. Cuối cùng, BS có thể yêu cầu trẻ được thăm khám thêm bởi chuyên gia về hành vi trẻ em.

Học viện Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ (AAFP) khuyến cáo bất kì trẻ nào từ 4-18 tuổi nếu có các vấn đề về học tập, hành vi, và các triệu chứng giảm chú ý, tăng động hoặc xung động nên được lượng giá về ADHD.

CÓ THỂ PHÒNG TRÁNH RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý?

ADHD không thể phòng tránh. Tuy nhiên, các BS tin rằng việc không hút thuốc lá và dùng các chất kích thích tâm thần trong thai kì có thể làm giảm nguy cơ trẻ  phát triển bệnh lý ADHD. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo dù là mọi yếu tố trong thai kì đều ổn thì sẽ bảo vệ trẻ khỏi phát triển bệnh lý ADHD. Ngoài ra, việc phơi nhiễm với độc chất từ môi trường, như chì, cũng là yếu tố nguy cơ cho ADHD.

ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

Một số loại thuốc dùng để điều trị ADHD được gọi là các thuốc kích thích tâm thần. Thuốc này làm kích thích tâm thần ở hầu hết người bình thường. Tuy nhiên, thuốc giúp cho những người mắc ADHD trở nên bình tĩnh. Thuốc cũng giúp cải thiện sự tập trung và chú ý cũng như làm giảm các xung động, các hành vi tăng động. Ngoài ra, BS có thể sử dụng thêm một số loại thuốc khác nếu cần thiết.

Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Các thuốc kích thích tâm thần có thể có tác dụng phụ làm giảm sự ngon miệng, cồn cào dạ dày và đau đầu. Giảm ngon miệng dẫn đến sụt cân ở một số người. Tác dụng phụ này phổ biến ở trẻ em. Một số người bị mất ngủ (rối loạn giấc ngủ). Một số tác dụng phụ khác bao gồm tim đập nhanh, đau ngực hoặc nôn ói. Để giảm các tác dụng phụ này, ta có thể:

  • Dùng thuốc ở liều thấp nhất có thể mà vẫn đạt hiệu quả điều trị các triệu chứng. bác sĩ của bạn sẽ cùng thảo luận để tìm ra liều lượng phù hợp.
  • Uống thuốc khi ăn để làm giảm cồn cào dạ dày (nếu có).
  • Hỏi BS nếu bạn có thể bỏ thuốc vào những ngày cuối tuần.
  • Đề nghị những loại đồ ăn vặt lành mạnh cho những trẻ bị giảm cân bởi thuốc.
  • Uống thuốc trươc bữa ăn 30-45 phút. Có thể cho trẻ uống thuốc ở trường nếu cử thuốc BS cho vào giờ đi học, nếu trẻ không thể uống thuốc ở trường BS có thể sẽ kê loại thuốc có tác dụng kéo dài hơn.

Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của BS rất quan trọng. Tuân thủ theo các hướng dẫn của BS ngay cả khi bạn chưa thấy được tác dụng của thuốc. Thuốc cải thiện khả năng người bệnh ở một số công việc cụ thể. Bao gồm chú ý hoặc kiểm soát bản thân tốt hơn. Thời gian điều trị mỗi người khác nhau. Một số người chỉ cần điều trị trong 1-2 năm. Một số khác cần điều trị nhiều năm. Một số nữa, ADHD tiếp tục kéo dài qua tuổi thanh thiếu niên và tiếp tục ở tuổi trưởng thành.

Người bệnh ADHD nên được kiểm tra định kì bởi BS. AAFP đưa ra một số khuyến cáo điều trị. Trẻ em ở tuổi mẫu giáo (4-5 tuổi) lựa chọn hàng đầu nên là liệu pháp hành vi. Việc dùng các thuốc kích thích tâm thần sẽ được BS cân nhắc dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống bạn bè, gia đình và trường học của trẻ ở mức trung bình đế nghiêm trọng. Trẻ em độ tuổi tiểu học (6-11 tuổi) việc điều trị thuốc và liệu pháp hành vi đã được phê duyệt bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Tuổi vị thành niên (12-18 tuổi) điều trị bằng thuốc và cũng nên được két hợp liệu pháp hành vi để xây dựng và duy trì các kỹ năng tổ chức. Trong mọi trường hợp, liều lượng thuốc sẽ được đo lường và điều chỉnh làm sao hiệu quả tối đa với ít tác dụng phụ nhất.

CHUNG SỐNG VỚI RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

Triệu chứng của ADHD thường thuyên giảm khi trẻ lớn hơn và học được cách điều chỉnh. Tăng động twhuongf dừng lại ở cuối lứa tuổi vị thành niên. Nhưng khoảng một nửa số trẻ ADHD tiếp tục dễ bị phân tâm, dễ thay đổi tâm trạng, cảm xúc và không thể hoàn thành công việc. Trẻ em được yêu thương, ủng hộ và được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực như nhân viên nhà trường, nhân viên sức khoẻ tâm thần, bác sĩ là những trẻ có cơ hội tốt nhất để trở thành một người trưởng thành biết thích nghi và điều chỉnh tốt.

Bố mẹ có con ADHD thường đối mặt với nhiều khó khăn. Do trẻ gặp vấn đề trong việc hiểu và làm theo các hướng dẫn. Trạng thái hoạt động liên tục của trẻ cũng có thể là một thách thức đối với người lớn. Một số trẻ em sẽ đpá ứng với tư vấn tâm lý hoặc các liệu pháp có cấu trúc. Cách tốt nhất để hỗ trợ trẻ là gia đình liên kết với các chuyên gian trong việc quản lý các vấn đề về hành vi và học tập liên quan ADHD của trẻ.

Trẻ ADHD cũng cần nhiều sự chỉ dẫn mang tính tổ chức và dự tính rõ ràng. Bạn có thể thay đổi cuộc sống ở nhà một chút để giúp trẻ. Một số điều sau đây bạn có thể làm để giúp trẻ:

  • Lập kế hoạch.
  • Thực hiện các quy tắc đơn ginả trong nhà.
  • Đảm bảo rằng hướng dẫn của bạn dễ hiểu đối với trẻ.
  • Khen thưởng nếu trẻ làm tốt.
  • Đảm bảo rằng con bạn được giám sát mọi lúc.
  • Quan sát con bạn xung quanh bạn bè của nó.
  • Đặt ra thói quen làm bài tập ở nhà.
  • Tập trung vào sự nổ lực, không phải điểm số.
  • Trao đổi với giáo viên của trẻ.

Nếu con bạn bị ADHD, bạn nên trao đổi với nhà trường để giúp đỡ cho trẻ thành công hơn, có thể gia đình và nhà trường làm việc cùng nhau để có kế hoạch giáo dục phù hợp hơn với cá nhân trẻ. Kế hoạch này nhằm đảm bảo cho trẻ nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào mà trẻ cần để giúp cho môi trường học tập của trẻ trở nên phù hợp nhất.

Nếu bác sĩ nghĩ bạn có vấn đề về ADHD khi trưởng thành, họ có thể đề nghị bạn nên được tư vấn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm hoặc tư vấn với một số chuyên gia chuyên điều trị ADHD. Bạn có thể học cách thay đổi môi trường làm việc và hạn chế tối đa sự phân tâm. Một số công cụ tổ chức có thể giúp bạn tập trung vào hoạt động ở nhà và nơi làm việc. Nhiều người ADHD nhận thấy việc được tư vấn là hữu ích. Các vấn đề về hành vi trong suốt cuộc đời của người ADHD có thể gây ra sự tự ti và các vấn đề về các mối quan hệ. Tư vấn cá nhân và các nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn trong các vấn đề trên.

HÃY HỎI BÁC SĨ

  • Tại sao con tôi có vấn đề chú ý và tăng động khi ở nhà, nhưng ở trường lại không?
  • Liệu thuốc có làm thay đổi nhân cách và làm cho tôi trở nên lờ đờ?
  • Có khả năng xảy ra tình trạng quá liều thuốc ADHD?
  • Nên uống thuốc liên tục hay chỉ uống khi nào cảm thấy cần thiết?
  • Tôi có nên thay đổi gì đối với chế độ ăn của con tôi không?
  • Tôi có nên giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của con tôi (TV, máy tính, trò chơi điện tử)?

Nguồn: https://familydoctor.org/condition/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/

BS Lê Duy dịch.

Kubet77

 

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook