RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC (Bipolar Disorder)

04/04/2020 17:32

RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC LÀ GÌ?

Rối loạn lưỡng cực (RLLC) là rối loạn tâm thần với đặc trưng là sự thay đổi quá mức của cảm xúc. Một tên khác của bệnh là Rối loạn Hưng - Trầm cảm. Mọi người ở mọi lứa tuổi, nam hay nữ đều có thể mắc bệnh này.

RLLC được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau, được xếp loại dựa trên các triệu chứng và mức độ thường xuyên, thay đổi đột ngột cảm xúc hoặc là thay đổi theo từng thời kì.

TRIỆU CHỨNG CỦA RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC

Hầu hết những sự thay đổi cảm xúc của mọi người không phải do bệnh RLLC. Tuy nhiên, sự thay đổi cảm xúc này quá mức là một dấu hiệu chính cho thấy có thể mắc bệnh RLLC. Có lúc bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, tràn đầy sinh lực, năng lượng và cảm giác mình có khả năng làm được mọi thứ. Nó làm cho bạn cảm thấy rất hứng khởi và không cần nghỉ ngơi. Đây là giai đoạn hưng cảm. Vào lúc khác, bạn cảm thấy rất buồn và cô đơn. Bạn có thể đau khổ và không muốn làm gì cả. Đây là giai đoạn trầm cảm. Người bệnh sẽ luân phiên thay đổi cảm xúc giữa hưng cảm và trầm cảm. Cũng có khả năng người bệnh sẽ có triệu chứng cả hai cùng một lúc. Cảm xúc người bệnh có thể thay đổi thường xuyên và mau chóng hoặc là từ từ dàn trải và kéo dài trong một thời gian.

Cảm xúc người bệnh có thể thay đổi thường xuyên và mau chóng hoặc là từ từ dàn trãi và kéo dài trong một thời gian.

Các dấu hiệu của Hưng cảm gồm:

  • Cảm thấy tràn đầy năng lượng, mình là người quan trọng
  • Cảm thấy phấn khích hoặc sung sức
  • Cảm thấy bức rứt hoặc nhạy cảm
  • Khó tập trung
  • Ngủ không ngon hoặc mất ngủ
  • Hoạt động nhiều hơn bình thường
  • Tiêu tiền hoàng phí
  • Lạm dụng rượu và chất kích thích
  • Làm việc mạo hiểm, liều lĩnh; bao gồm cả hoạt động tình dục
  • Suy nghĩ và nói nhanh hơn bình thường, người khác không thể nghe kịp

Các dấu hiệu của Trầm cảm gồm:

  • Không hứng thú/ hài lòng với mọi sở thích; bao gồm cả tình dục
  • Buồn bã hoặc tê liệt cảm xúc
  • Dễ khóc mà không cần lý do
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi
  • Cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng hoặc tội lỗi
  • Tăng hoặc giảm cân bất thường
  • Giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và khả năng ra quyết định
  • Đau đầu, đau lưng hoặc rối loạn tiêu hóa
  • Rối loạn giấc ngủ hoặc luôn thấy buồn ngủ
  • Có ý tưởng tự sát, muốn chết

NGUYÊN NHÂN CỦA RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC

Rối loạn lưỡng cực có thể do sự mất cân bằng các hóa chất thần kinh trong não. Có thể có yếu tố di truyền. Bạn có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn nếu trong gia đình có người mắc bệnh.

CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC

Hãy nói với bác sĩ nếu bạn nghĩ mình mắc bệnh RLLC. Bác sĩ sẽ thực hiện những đánh giá về cơ thể/ tâm thần cần thiết để chẩn đoán.

Người bệnh thường đi khám khi họ Trầm cảm hơn là Hưng cảm. Điều này gây ra một số khó khăn để chẩn đoán chính xác. Nên chuẩn bị để nói với bác sĩ đầy đủ về triệu chứng của bạn, về tình trạng sức khỏe cũng như về bệnh sử trong gia đình. Bạn nen cân nhắc đi khám với thành viên trong gia đình hoặc vợ/chồng. Một chẩn đoán đúng mang đến một cơ hội điều trị tốt cho chính bạn.

CÓ THỂ PHÒNG TRÁNH RLLC KHÔNG?

Bạn không thể phòng tránh bệnh lý này.

ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC

Một số người bệnh không muốn điều trị hoặc họ không nghĩ là mình cần được điều trị. Một số bệnh nhân nghĩ họ có thể tự cải thiện bệnh. Tuy nhiên, họ không nhận thấy được những ảnh hưởng lên cuộc sống của họ cũng như đến những người xung quanh.

Bạn và bác sĩ nên cùng hợp tác để lê kế hoạch trị liệu. Mục tiêu là cân bằng cảm xúc và giúp bạn khỏe hơn. RLLC trị bằng các thuốc làm ngưng chuyển trạng thái cảm xúc. Các thuốc ổn định cảm xúc có thể điều chỉnh cảm xúc lên xuống thất thường của bạn. Thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Nói với bác sĩ nếu bạn đang uống thuốc ở ngoài, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn uống thuốc tránh các ảnh hưởng không mong muốn.

Bác sĩ có thể thêm một số thuốc, dựa trên các triệu chứng khác của bạn. Hiệu quả có thể không đến ngay lập tức. Bạn bắt đầu sẽ nhận thấy được sự thay đổi cảm xúc sau một vài tuần.  Tiếp tục duy trì thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này rất quan trọng để đạt kết quả điều trị cuối cùng tốt nhất.

Một điều quan trọng khác là nên đến tham vấn tâm lý. Đây là một phần của kế hoạch điều trị. Bạn sẽ được trợ giúp nếu đang stress,  hoặc gặp vấn đề trong các mối quan hệ.

SỐNG CÙNG VỚI BỆNH RLLC

Có khả năng bạn sẽ luôn ở một mức độ bệnh nhẹ RLLC. Điều trị RLLC giúp giảm các triệu chứng. Các việc bạn cần làm là:

  • Tìm hiểu và đọc về bệnh RLLC. Hỏi bác sĩ của bạn nguồn thông tin nào đáng tin cậy để đọc. Nên chia sẻ và nói với gia đình về tình trạng bệnh của bạn.
  • Lập thời gian biểu. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày. Ăn những thức ăn tốt cho sức khỏe. Tập thể dục thường xuyên.
  • Uống thuốc đúng giờ mỗi ngày. Không được bỏ thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy tệ hơn. Nó có thể làm tốn thời gian điều trị thuốc và trị liệu của bạn. Hãy kiên nhẫn và tập trung vào mục tiêu của mình.
  • Hãy hỏi bác sĩ nếu bạn uống cà phê hoặc rượu bia cùng với thuốc.
  • Học các dấu hiệu cảnh báo về bệnh. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn thấy có sự thay đổi đáng chú ý về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi.
  • Tham gia vào một nhóm những người bệnh tương tự. Bạn và gia đình có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp ích cho bản thân và các thành viên khác.

HÃY THẢO LUẬN VỚI BÁC SĨ

  • Điều trị nào là tốt nhất cho RLLC
  • Tôi có nên uống thuốc mỗi ngày hay chỉ uống khi nào cảm thấy không khỏe?
  • Có nhóm bệnh nhân nào giống tôi bác sĩ có thể gợi ý để tôi tham gia?
  • Tôi có nên thay đổi gì đó không, như cân nặng hoặc kế hoạch tập luyện thể thao chẳng hạn?
  • Nếu tôi bệnh RLLC, tôi có di truyền lại cho con tôi không?
  • Tôi phải làm gì nếu tôi suy nghĩ muôn tự sát?

Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ

https://familydoctor.org/condition/bipolar-disorder/

Người dịch: BS LÊ DUY

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook