NHỮNG GIAI THOẠI VỀ TÂM THẦN: HÃY NGỪNG KÌ THỊ!

04/04/2020 23:56

Các bệnh lý tâm thường rất hay bị hiểu sai. Luôn có những sự kì thị xung quanh các vấn đề tâm thần. Kì thị ngăn cản người bệnh được giúp đỡ. Chỉ có một cách để ngưng kì thị là gia tăng sự hiểu biết mọi người nhiều hơn về vấn đề này. Đầu tiên ta phải xua tan mây mù về những giai thoại hoang đường về bệnh tâm thần.

Dưới đây sẽ là một số giai thoại (GT) phổ biến về bệnh tâm thần, mà sự thật (ST) đã bác bỏ chúng.

Nhiều giai thoại sai về sức khỏe tâm thần vẫn đang rất phổ biến.

GT: Bệnh tâm thần hiếm gặp.

ST: Bệnh tâm thần RẤT phổ biến. Khoảng cứ 5 người sẽ có 1 người từng trải qua vấn đề tâm thần mỗi năm. Cứ 25 người sẽ có thể có 1 người mắc một bệnh lý tâm thần thực sự. Có thể là lo âu, trầm cảm chủ yếu, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt.

GT: Trẻ em và thanh thiếu niên không gặp các vấn đề về tâm thần.

ST: Nghiên cứu cho thấy cứ 5 thanh thiếu niên mắc hoặc sẽ mắc một bệnh lý tâm thần. Một nửa số người lớn có vấn đề về tâm thần thì những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện trước 14 tuổi. Những vấn đề này không phải là do việc nuôi dạy con cái của ba mẹ, mà nó là tổng hợp của nhiều yếu tố. Nhiều yếu tố trong đó nằm ngoài sự kiểm soát của ba mẹ và của trẻ. Những sự kiện tiêu cực thời thơ ấu có thể góp phần vào các vấn đề tâm thần ở trẻ và người trưởng thành.

GT: Người có vấn đề tâm thần thường bạo lực và nguy hiểm.

ST: Hầu hết những người bệnh tâm thần không có hành vi bạo lực. Chỉ có khoảng 7% hành vi bạo lực là bị quy là do những triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần. Sự thật, người mắc bệnh tâm thần trầm trọng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gấp 10 lần.

GT: Tâm thần là dấu hiệu của sự yếu ớt, suy nhược.

ST: Tâm thần không liên quan gì đến mạnh mẽ hoặc yếu ớt. Đơn thuần, đây là một bệnh lý cần điều trị. Nếu bạn cần giúp đỡ khi gặp vấn đề tâm thần, bạn không hề yếu. Nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần bao gồm:

  • Do gen hoặc hóa chất thần kinh có thể dẫn tới các vấn đề tâm thần. Cũng như bất kì bệnh lý hoặc tổn thương nào khác.
  • Trải nghiệm cuộc sống định hình sức khỏe tâm thần. Bao gồm trải qua các sự kiện sang chấn tâm lý hoặc những sự kiện rất căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
  • Lịch sử gia đình đóng một vai trò trong sức khỏe tâm thần.  Nếu ba mẹ mắc các vấn đề tâm thần có thể gia tăng nguy cơ bạn gặp các vấn đề tương tự.

GT: Bệnh tâm thần là vĩnh viễn suốt đời, không thể điều trị khỏi.

ST: Sức khỏe tâm thần không đứng yên. Nó lên xuống trong suốt cuộc đời bạn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc bạn cảm thấy thế nào. Nếu bất kỳ yếu tố nào trong số này thay đổi, sức khỏe tâm thần của bạn có thể thay đổi. Khi điều trị, nhiều vấn đề của bạn có thể là biểu hiện nhất thời. Một kế hoạch điều trị tốt sẽ giúp bạn khắc phục vấn đề và phục hồi. Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc vấn đề đó đã biến mất. Nhưng bạn vẫn có thể tìm được cách sống chung với nó và vẫn là một thành viên có ích cho xã hội.

Đồng thời, cảm thấy tốt hơn đôi khi không có nghĩa là bạn đã được chữa khỏi hoàn toàn. Có thể bạn vẫn phải tiếp tục kế hoạch điều trị ngay cả sau khi bạn cảm thấy tốt hơn. Một số vấn đề sức khỏe tâm thần không bao giờ khỏi hẳn. Đây thường là những bệnh lý nghiêm trọng hơn như tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực. Nhưng một số trường hợp trầm cảm và lo âu là nhất thời và khỏi hẳn sau khi điều trị.

GT: Điều trị chỉ làm lãng phí thời gian.

ST: Một số người có thể không thoải mái khi điều trị. Họ sợ mình sẽ phải nhỏ lại như thời thơ ấu. Nhưng trị liệu hiện đại được thiết kế để rút ngắn thời gian điều trị. Nó tập trung vào các vấn đề và giải pháp. Nghiên cứu chỉ ra rằng điều trị bệnh tâm thần rất có hiệu quả. Thường hiệu quả nhất khi kết hợp với thuốc. Các nghiên cứu cho thấy 70% đến 90% bệnh nhân báo cáo cải thiện triệu chứng khi là một phần trong kế hoạch điều trị của họ.

GT: Tôi không thể làm được gì để giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần.

ST: Có rất nhiều điều bạn có thể làm để giúp người bệnh:

  • Hãy cho người bệnh biết bạn vẫn ở đó nếu họ cần.
  • Giúp người bệnh tìm được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cần thiết.
  • Tìm hiểu về những gì người bệnh đang trải qua.
  • Đối xử tôn trọng với người bệnh. Đừng gọi họ là “người điên”.
  • Thể hiện sự hỗ trợ của bạn theo những cách bệnh nhân có thể hiểu được.
  • Nhận sự trợ giúp (từ người bệnh) cho chính mình nếu bạn cần.
  • Đừng từ bỏ người bệnh.

GT: Không thể phòng bệnh tâm thần.

ST: Có thể bạn không hoàn toàn ngăn được việc gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhưng bạn có thể giải quyết được các yếu tố nguy cơ mà bạn hoặc người thân có thể có:

  • Cố gắng giảm thiểu sang chấn. Nếu bạn hoặc người thân trải qua một sự kiện gây sang chấn, hãy nhờ trợ giúp ngay lập tức. Điều trị sớm có thể ngăn không cho vấn đề tồi tệ hơn trong tương lai.
  • Giảm stress. Công việc hoặc cuộc sống gia đình quá stress có thể làm giảm chất lượng sức khỏe tâm thần của bạn.
  • Đặt mình vào những hoàn cảnh tích cực. Tránh những người tiêu cực. Thay vào đó, hãy để quanh mình những người lành mạnh với cái nhìn tích cực về cuộc sống.
  • Tạo thói quen lành mạnh. Ăn uống, luyện tập lành mạnh và ngủ đủ. Những phương pháp tự chăm sóc cơ bản này có thể góp phần quan trọng vào cách bạn cảm nhận về bản thân và hoạt động chức năng của bạn.
Ngưng kì thị là tạo ra cơ hội cho bạn và mọi người tiếp cận được sự hỗ trợ, nâng cao sức khỏe tâm thần.

SUY NGẪM

Sự kỳ thị quanh bệnh lý tâm thần ngăn cản người bệnh nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ mà họ cần. Người bệnh sợ những gì mọi người sẽ nghĩ về họ. Vì vậy, họ không tìm kiếm điều trị. Bệnh của họ thường sẽ tệ hơn. Có khi, người bệnh còn tự kết liễu đời mình, chỉ vì sự kì thị bệnh tâm thần không cho họ tìm kiếm sự giúp đỡ.

Chú ý khi bạn và người thân gặp phải những dấu hiệu dưới đây thì có thể đó là biểu hiện của bệnh tâm thần:

  • Cảm thấy buồn hoặc chán nản.
  • Khó tập trung.
  • Cảm xúc thái quá (bao gồm sợ hãi, cảm giác tội lỗi, buồn bã hoặc tức giận).
  • Thu rút khỏi bạn bè hoặc các hoạt động.
  • Thay đổi cảm xúc quá mức.
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy.
  • Gây hấn hoặc bạo lực không giải thích được nguyên nhân.
  • Không thể ứng phó được với stress hoặc với những cảm xúc của bạn.
  • Hoang tưởng, đa nghi (paranoia) hoặc ảo giác (như nghe tiếng nói).
  • Suy nghĩ về việc tự làm hại bản thân mình hoặc người khác.

Đừng ngại nhờ giúp đỡ. Không có gì phải xấu hổ hoặc ngượng ngùng vì bệnh tâm thần. Nhận thức được các vấn đề sức khỏe tâm thần và tìm hiểu sự thật có thể giúp bạn và mọi người. Thậm chí có thể cứu được mạng người.

Hãy hỏi bác sĩ

  • Tôi có những triệu chứng này? Có phải tôi mắc bệnh tâm thần không?
  • Phương pháp điều trị là gì?
  • Tôi có cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần không?
  • Tôi có cần trị liệu không?
  • Bác sĩ có thể giới thiệu một tham vấn viên hoặc một chuyên gia trị liệu mà tôi có thể gặp không?
  • Vấn đề này là nhất thời hay vĩnh viễn?
  • Có phải tôi cần điều trị đến suốt đời?
  • Tôi có thể làm gì ở nhà để giúp mình hồi phục?
  • Tôi có thể giải thích thế nào với mọi người về vấn đề tâm thần mà tôi đang gặp phải?

Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ

 https://familydoctor.org/mental-health-myths-stop-stigma/

Người dịch: BS Lê Duy/ BS Võ Hùng Chí

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook