KIỂM SOÁT STRESS HẰNG NGÀY

07/01/2020 00:29

Trong thế giới bận rộn ngày nay, cùng một lúc chúng ta bị kéo vào nhiều việc. Những trách nhiệm ở nhà và ở nơi làm việc, và đôi khi tất cả chúng trở nên quá nhiều. Cơ thể bắt đầu cho chúng ta biết rằng mình đang cảm thấy stress trong cuộc sống hằng ngày. Việc cảm thấy stress là do khuynh hướng bản năng của cơ thể bạn nhằm bảo vệ chính nó. Bản năng này là tốt trong những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như khi bạn cần thoát khỏi một chiếc xe đang lao nhanh. Nhưng nếu không được kiểm soát đúng cách, stress có thể gây ra các triệu chứng cơ thể có hại với sức khỏe.

Khi cơ thể bạn đang phải làm việc tăng ca để giải quyết những khó khăn hằng ngày. Bạn chưa từng được trang bị để ứng phó với tất cả những hoạt động quá mức này. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy lo âu, sợ hãi, phiền muộn và căng thẳng. Nếu stress của bạn không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng huyết áp, bệnh tim và đái tháo đường. 

Bạn cũng có thể gặp phải những biến cố quan trọng trong cuộc sống gây ra stress. Bao gồm:

  • Mất việc (hoặc bắt đầu một công việc mới)
  • Con cái đi khỏi, hoặc trở về nhà
  • Cái chết của người bạn đời
  • Ly hôn hoặc kết hôn
  • Người thân trong gia đình bị bệnh hoặc bị chấn thương
  • Các vấn đề về tiền bạc
  • Di chuyển
  • Có con hoặc nhận con nuôi

Phương pháp nâng cao sức khỏe

Stress có thể gây ra các vấn đề sức khỏe hoặc làm tệ hơn những vấn đề đã có từ trước. Nếu bạn nghĩ rằng các triệu chứng của mình là do stress, hãy kể cho bác sĩ gia đình của bạn. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các triệu chứng không phải được gây ra bởi những vấn đề sức khỏe khác.

Học cách nhận biết khi bạn cảm thấy stress. Những dấu hiệu cảnh báo sớm của stress bao gồm căng đau cổ và vai, hoặc co cứng bàn tay. Thử tránh những sự kiện hoặc tình huống làm bạn stress. Nếu không thể, hãy thay đổi cách bạn phản ứng với stress.

  • Tập thể dục. Đây là cách lành mạnh để giải phóng năng lượng và căng thẳng bị dồn nén. Tập thể dục giúp phóng thích các chất hóa học trong não gọi là endorphin, giúp bạn cảm thấy thoải mái. Nó cũng giúp bạn có được vóc dáng cân đối, khiến bạn cảm thấy tốt hơn nói chung.
  • Ăn uống hợp lý. Stress có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng của bạn. Hãy đảm bảo bạn đang ăn uống điều độ, cân đối.
  • Ngủ đủ. Điều này rất quan trọng vì nó giúp cơ thể bạn có thời gian tự sửa chữa.
  • Thiền định. Thiền là một hình thức suy nghĩ theo chỉ dẫn. Nó có thể gồm nhiều dạng. Bạn có thể thực hành nó cùng với bài tập sử dụng cùng những động tác lặp đi lặp lại, như đi bộ hoặc bơi lội. Bạn có thể thiền bằng cách luyện tập thư giãn, tập co duỗi, hoặc hít thở sâu.
  1. Tập thư giãn rất đơn giản. Bắt đầu với một cơ. Giữ căng trong vài giây và sau đó thả lỏng. Thực hiện trên từng cơ của bạn, bắt đầu với các ngón chân và bàn chân và cứ thế tiếp tục đối với các cơ còn lại của bạn.
  2. Co duỗi cũng có thể giúp làm giảm căng đau. Xoay đầu theo hình tròn. Ngước đầu hướng lên trần nhà và gập chậm chậm sang mỗi bên (trái và phải). Xoay vai.
  3. Hít thở sâu, thư thái có thể giúp giảm stress. Điều này làm bạn nhận được nhiều oxy và kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể bạn.
  • Buông xả. Đừng quá lo lắng về những thứ bạn không thể kiểm soát, như thời tiết.
  • Đừng lo lắng về những thứ nhỏ nhặt. Hãy giải quyết những vấn đề nhỏ. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy mọi thứ đang trong tầm kiểm soát.
  • Sẵn sàng. Chuẩn bị tốt nhất trong khả năng của bạn cho những sự kiện mà bạn biết có thể sẽ gây stress, như cuộc phỏng vấn xin việc.
  • Lạc quan. Hãy xem sự thay đổi là một thử thách tích cực, chứ không phải là mối nguy.
  • Tìm giải pháp. Hãy giải quyết xung đột với những người khác.
  • Giãi bày. Hãy kể những gì làm bạn phiền muộn với bạn bè, gia đình hoặc người tham vấn mà bạn tin tưởng.
  • Thực tế. Đặt những mục tiêu thực tế ở nhà và ở nơi làm việc. Tránh lập kế hoạch quá mức (với khả năng thực tế).
  • Tìm niềm vui. Tham gia vào những gì bạn thấy không stress, như thể thao, các sự kiện xã hội, những thú vui.
  • Hãy nói không. Tránh xa ma túy và rượu. Chúng thực sự có thể làm tăng mức độ stress của bạn.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ

Dưới đây là các triệu chứng bạn có thể gặp phải khi đang cảm thấy stress. Nếu đã làm theo những lời khuyên ở trên và thấy rằng mình vẫn cần trợ giúp để kiểm soát stress, hãy đến gặp bác sĩ.

Những dấu hiệu điển hình của stress

  • lo âu
  • đau lưng
  • táo bón hoặc tiêu chảy
  • trầm cảm
  • mệt mỏi
  • đau đầu
  • tăng huyết áp
  • khó vào giấc ngủ hoặc mất ngủ
  • gặp vấn đề với các mối quan hệ
  • hụt hơi/khó thở
  • căng cứng cổ hoặc hàm
  • khó chịu ở bụng/rối loạn tiêu hóa
  • tăng cân hoặc sụt cân

Hãy hỏi bác sĩ

  • Tôi có thể làm gì để dễ vào giấc ngủ hơn?
  • Tôi đang tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Tôi có thể làm gì khác nữa để giữ sức khỏe và không bị stress?
  • Nếu tôi không kiểm soát được stress và lo âu, bác sĩ sẽ khuyến cáo cho tôi những loại thuốc nào?

​Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ

https://familydoctor.org/stress-how-to-cope-better-with-lifes-challenges/

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook