KHÁM SỨC KHỎE TÂM THẦN NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

15/10/2019 15:46

Một buổi khám bệnh tâm thường thường đòi hỏi phải có được không gian an toàn, thoải mái và riêng tư. Người bác sĩ có sự tôn trọng, ân cần quan tâm đúng mực, cũng như có sự đồng cảm với bệnh nhân. Giữa BN và BS nếu xây dựng được một mối quan hệ tin tưởng thì sẽ là một yếu tố thuận lợi cho việc điều trị thành công.

1. Khám Tâm thần là một công việc đặc thù

2. Tại sao một buổi khám Tâm thần lại thường kéo dài?

3. Cần chuẩn bị gì khi đi khám Tâm thần?

 

1. Bác sĩ Tâm thần làm một công việc đặc thù

Bác sĩ tâm thần làm một công việc đặc thù, người ngoài nhìn thì đơn giản nhưng thật ra lắm công phu và người bác sĩ khéo léo sử dụng nhiều nghệ thuật giao tiếp trong đó.

Đặc thù ở điểm, các chuyên khoa khác, bác sĩ thường dùng nhiều kĩ năng như Nhìn – Sờ - Gõ – Nghe để thăm khám bên ngoài hoặc các tạng nằm bên trong cơ thể. Còn khám tâm thần, cơ quan đích nhắm tới là não bộ, các kĩ năng trên sẽ bị hạn chế và kĩ năng giúp bộc lộ một cách gián tiếp hoạt động chức năng của não bộ chính là thông qua sự giao tiếp ngôn ngữ - Hỏi bệnh.

Do vậy, có nhiều bệnh nhân không hiểu được điều này thường hay phàn nàn rằng Bác sĩ không “thăm khám” cho tôi – ý chỉ không có sờ nắn hay gõ, nghe tim phổi qua lồng ngực bằng ống nghe – việc thường thấy khi đi khám cơ xương khớp, tiêu hóa, tim mạch,.. mà BS chỉ hỏi bệnh.

Bệnh nhân thường không biết rằng bằng nhiều cách, BS khi thăm khám đã loại trừ các bệnh lý nội – ngoại khoa trước đó, và khi hỏi tức là đang tập trung vào khám Tâm thần – một công việc đòi hỏi tốn nhiều thời gian.

Một buổi khám tâm thần đầu tiên có thể kéo dài từ 45 phút cho đến 90 phút, trong trường hợp khám tại khoa nội trú nếu bệnh nhân mệt mỏi nhiều, căng thẳng quá mức hay có biểu hiện loạn thần kích động thì buổi khám có thể rút ngắn xuống thành 20 – 30 phút hoặc thậm chí ngắn hơn. Sau buổi đầu tiên, những buối thăm khám kế tiếp thì có thể rút ngắn hơn. Khó có chuyên khoa nào mà một buổi thăm khám có thể kéo dài hơn buổi khám của chuyên khoa Tâm thần.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, nếu các bạn hỏi tại sao Bác sĩ tôi thấy khám Tâm thần cũng chỉ 5 phút là xong một bệnh nhân. Thì câu trả lời trong phạm trù bài viết này tôi không thể giải thích. Và mức thời gian như trên là dựa vào hướng dẫn trong điều kiện chuẩn.

Khám tâm thần cần không gian an toàn, thoải mái và riêng tư
Khám tâm thần cần không gian an toàn, thoải mái và riêng tư.

 

2.Tại sao bác sĩ khám Tâm Thần lại kéo dài như vậy?

Do BS cần phải thu thập rất nhiều thông tin cùng lúc với việc đánh giá hoạt động tâm thần của người bệnh trong buổi thăm khám đầu tiên. Đễ dễ hình dung, thì bạn có thể tưởng tượng về thông tin từ lúc mẹ bạn bắt đầu mang thai rồi cho đến lúc sanh bạn ra, bạn biết đi biết nói, tuổi thơ trải qua như thế nào cho đến tuổi vị thành niên rồi thành niên, đến hiện tại, những biến cố trong cuộc đời; lịch sử họ hàng có ai mắc bệnh gì không? Đều được BS thu thập do mỗi chi tiết đều có thể có ý nghĩa trong bệnh cảnh hiện giờ. Một lượng thông tin khổng lồ đấy.

Trong quá trình Bs hỏi và BN khai bệnh thì việc thể hiện qua hình thể, nội dung và hình thức ngôn ngữ, người BS vừa lắng nghe – ghi chú vừa đánh giá hoạt động não bộ của bạn. Sau phần bệnh sử thì thường có phần BS sẽ đặt cho bạn những câu hỏi chuyên biệt hơn kiểu như: 2 tuần qua bạn có thấy buồn rầu hay khóc một mình không? Bạn có bị lo lắng quá mức không thể kiểm soát trong 6 tháng qua hay không?... Hoặc BS có thể đặt cho bạn các bài tập bắt bạn ghi nhớ, tính toán, trả lời hỏi đáp, thực hiện động tác, v.v…

Tất cả những yêu cầu đó nhằm mục đích đánh giá rất nhiều mặt hoạt động tâm thần của BN như Cảm xúc, Tư duy, Tập trung – chú ý, Trí nhớ, Trí tuệ, các nhu cầu bản năng bên trong và các hành vi thể hiện bên ngoài.

Sau đó tùy theo từng trường hợp BS sẽ yêu cầu làm thêm các Bài kiểm tra Tâm lý hoặc là yêu cầu chụp chiếu chuyên sâu hơn.

Những thông tin thu được sẽ chắt lọc ra triệu chứng, hội chứng và hướng đến một bệnh cảnh phù hợp nhất; một số thông tin cũng phác họa nên nhân cách của người bệnh – điều này liên quan nhiều đến quá trình tuân thủ điều trị, tiên lượng bệnh.

Do nhiều yếu tố nên thường không thể nào thu thập đầy đủ được tất cả thông tin trong buổi thăm khám đầu tiên. Mỗi buổi thăm khám, đầu tiên hay thứ hai thay thứ sau đó nữa đều có mục tiêu riêng của BS ví dụ như buổi đầu tiên là để khám chẩn đoán, buổi sau bổ sung thêm bệnh án – theo dõi tác dụng phụ của thuốc trong những ngày đầu,.. điều này kéo dài cho đến buổi thăm khám cuối cùng. 

Bạn có thể tưởng tượng người Bs như một họa sĩ thì các bước đầu tiên là phác họa những đường nét cơ bản, sắp xếp bố cục mọi vật trong một bức tranh tổng thể, nội dụng muốn diễn đạt,.. các buổi sau là tô điểm chi tiết để hoàn thành bức tranh đấy.

Do thời gian kéo dài khác nhau và mục tiêu khác nhau nên một số nơi sẽ quy định mức thu buổi thăm khám đầu tiên khác so với các buổi sau đó.

 

3. Cần chuẩn bị gì khi gặp bác sĩ Tâm thần?

Sự hợp tác và tự nguyện đến thăm khám, khai bệnh từ phía bệnh nhân.

Người thân đi cùng (cha, mẹ, anh chị em,..) hoặc bạn bè đồng nghiệp, bạn ở trọ cùng,.. để cung cấp thêm thông tin và độ khách quan cho BS.

Mang theo tất cả các hồ sơ bệnh án, toa thuốc, thuốc, các kết quả xét nghiệm,.. cũ và mới, càng đầy đủ càng tốt.

Thu xếp thời gian đủ cho buổi khám, tránh tâm lý căng thẳng hay vội vã.

 

Bs. Lê Duy

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook