ĐAU MẠN TÍNH

26/01/2020 13:39

Đau mạn tính là gì?

Có 2 loại đau: cấp tính và mạn tính. Đau cấp tính cho bạn biết cơ thể mình đang bị tổn thương. Nó thường không kéo dài. Khi cơ thể bạn khỏi bệnh, đau cấp tính sẽ biến mất. Đau mạn tính kéo dài hơn nhiều. Đau mạn tính có thể kéo dài đến hàng tháng thậm chí hàng năm. Đau mạn tính làm cản trở những hoạt động hằng ngày của bạn. Và vì cơn đau diễn ra rất dài, người đau mạn tính cũng có thể giảm tự tin, trầm cảm, và giận dữ.

Những triệu chứng của đau mạn tính

Đau mạn tính có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Người đau mạn tính có những kiểu đau dưới đây:

  • đau đầu
  • đau lưng
  • đau do ung thư
  • đau do viêm khớp
  • đau do hậu quả tổn thương dây thần kinh

Cơn đau có thể được mô tả:

  • đau âm ĩ
  • đau dữ dội
  • căng cứng
  • nhức nhối
  • đau siết, đau thắt
  • đau theo mạch đập
  • nóng rát
  • đau nhói

Đôi khi người đau mạn tính có những triệu chứng khác. Bao gồm cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ, hoặc thay đổi cảm xúc. Cơn đau tự nó thường dẫn đến các triệu chứng khác. Bao gồm giảm tự tin, giận dữ, trầm cảm, lo âu, hay nản lòng.

Nguyên nhân nào gây đau mạn tính?

Đôi khi đau mạn tính do chấn thương hoặc nhiễm trùng cũ, hoặc do một bệnh lý. Có lúc không tìm ra nguyên nhân gây đau.

Những tình trạng có thể làm khởi phát hoặc gây đau mạn tính gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu (migraine)
  • Các bệnh lý ở lưng
  • Ung thư
  • Viêm khớp
  • Chứng đau xơ cơ (fibromyalgia)
  • Tổn thương dây thần kinh
  • Phẫu thuật từ trước

Trầm cảm và stress có khuynh hướng làm cơn đau nặng hơn, gồm đau mạn tính.

Chẩn đoán đau mạn tính như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử y khoa. Mô tả cơn đau của bạn giúp bác sĩ tìm ra cách điều trị đúng đắn cho bạn. Kể cho bác sĩ biết đau ở đâu, đau mức độ như thế nào, và tần suất thường xuyên ra sao. Ngoài ra, hãy kể về yếu tố làm tăng hoặc giảm đau. Bác sĩ sẽ khám thực thể và có thể thực hiện các test giúp xác định nguyên nhân cơn đau của bạn.

Bác sĩ cũng xem lại các vấn đề sức khỏe khác của bạn (như bệnh lý đường hô hấp hay tim mạch). Điều này có thể giúp bạn tránh một số loại điều trị. Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn có bất cứ vấn đề nào về giấc ngủ, cảm xúc, hoặc lo âu hay không.

Có thể phòng tránh được đau mạn tính được hay không?

Trong nhiều trường hợp, không thể dự phòng được đau mạn tính. Một vài tình trạng gây đau mạn tính, như ung thư, có thể tránh được bằng nhiều cách. Nhưng thường bạn không thể làm gì được để kiểm soát một khi bạn bị đau mạn tính.

Điều trị đau mạn tính

Mục tiêu điều trị đau mạn tính là làm giảm đau và cải thiện chức năng của bạn. Có nhiều cách điều trị. Chúng thường không làm biến mất hoàn toàn cơn đau của bạn. Nhưng chúng có thể làm giảm mức độ và tần suất đau. Một số loại điều trị phổ biến hơn gồm có:

Thuốc

Thuốc thường dùng trong đau mạn tính gồm thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, và thuốc chống co giật. Các loại thuốc khác nhau giúp những người có kiểu đau khác nhau. Nếu bác sĩ khuyến cáo một loại thuốc giảm đau không kê toa, hãy đọc và làm theo hướng dẫn trên bao bì. Thuốc tác dụng ngắn hạn điều trị cơn đau thoáng qua. Bác sĩ cũng khuyến cáo thuốc tác dụng dài cho cơn đau dai dẳng.

Bác sĩ cũng có thể khuyến cáo thuốc giảm đau theo toa. Cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc. Nhiều thuốc giảm đau theo toa là chất dạng thuốc phiện (opioid). Opioid có hiệu quả khi dùng đúng cách. Nhưng nhiều người lạm dụng opioid sẽ dẫn tới nghiện. Nghiện chất dạng thuốc phiện là một vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong.

Trị liệu

Một vài loại trị liệu có thể giúp giảm cơn đau của bạn:

  • Vật lý trị liệu – gồm co duỗi và các hoạt động kéo căng cơ.
  • Tập thể dục nhẹ – có thể gồm đi bộ, bơi, hoặc đạp xe.
  • Trị liệu nghề nghiệp – hướng dẫn cho bạn cách làm việc đúng chừng mực và thực hiện những công việc thông thường theo cách khác. Điều này giúp làm giảm cơn đau và tránh tái chấn thương.
  • Trị liệu hành vi – những phương pháp giúp bạn thư giãn và giảm stress. Bao gồm thiền định, thái cực, hoặc yoga.

Hầu hết những gì bạn làm là để thư giãn hoặc ngừng bận tâm về những vấn đề của mình từ đó có thể giúp kiểm soát cơn đau. Ngay cả khi đang dùng thuốc điều trị đau, bạn cũng nên đưa những hoạt động thư giãn vào trong cuộc sống thường ngày của mình. Thư giãn thực sự làm thay đổi các chất hóa học gây đau trong cơ thể. Có thể bạn sẽ phải dùng đến các phương pháp làm giảm stress trong vài tuần rồi mới nhận thấy được cơn đau đã giảm bớt. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên về phương pháp giảm stress và thư giãn.

Y học thay thế và bổ trợ (CAM)

Một vài bệnh nhân đau mạn tính tìm thấy lợi ích từ y học thay thế và bổ trợ (complementary and alternative, CAM). Đây là những phương pháp điều trị không thuộc chăm sóc y khoa chính thống. Châm cứu và massage là những ví dụ về phương pháp CAM này. Hãy hỏi bác sĩ trước khi thử bất cứ phương pháp điều trị CAM nào.

Vài trường hợp đau mạn tính có thể cần đến điều trị xâm lấn nhiều hơn. Bao gồm kích thích điện, phong bế dây thần kinh, hoặc phẫu thuật. Không có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn đau mạn tính. Hãy hỏi bác sĩ về cách kiểm soát cơn đau của bạn tốt nhất.

Sống với đau mạn tính

Thay đổi lối sống là phần quan trọng trong điều trị đau mạn tính. Sẽ tốt khi ngủ điều độ vào ban đêm và không ngủ ngày. Ngưng thuốc lá cũng giúp ích, vì chất nicotine trong thuốc lá có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc. Người hút thuốc lá cũng thường đau nhiều hơn so với người không hút.

Sống với đau mạn tính có thể rất khó. Tự chăm sóc bản thân là yếu tố quan trọng. Ngủ đủ, ăn uống lành mạnh, và cố gắng tập thể dục ở mức độ vừa. Kiểm soát stress và trầm cảm tốt nhất bạn có thể. Stress và trầm cảm có thể làm cơn đau của bạn nặng hơn.

Tìm hiểu nguyên nhân nào đang gây ra cơn đau của bạn. Hiểu những giới hạn của bản thân mình và biết cách sống với chúng để bạn không làm mình đau thêm. Hãy mở lòng thử những cách mới để kiểm soát cơn đau.

Hãy hỏi bác sĩ

  • Cái gì có khả năng gây ra cơn đau của tôi?
  • Vì sao nó không khỏi hẳn?
  • Chọn lựa điều trị nào là tốt nhất cho tôi? Tôi có cần uống thuốc không?
  • Vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp, trị liệu hành vi có giúp tôi giảm đau không?
  • Những trị liệu thay thế thì sao, như yoga, massage, hay châm cứu?
  • Tôi tập thể dục có an toàn không? Tôi nên tập loại hình thể dục nào?
  • Tôi có cần thay đổi điều gì trong lối sống không?

​Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ

https://familydoctor.org/condition/chronic-pain/

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook