PHÒNG KHÁM CHỐNG RỐI LOẠN GIẤC NGỦ VÀ STRESS TP.HCM
TỰ KỶ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG (P1) - Lược sử khoa học
07/01/2020 21:07
Trong lịch sử, khái niệm "tự kỷ" đã được biết đến từ đầu thế kỷ 12 và có nhiều sự biến đổi theo từng thời kì, theo từng học giả. Tổng quan bài viết giới thiệu về những khái niệm, thuật ngữ liên quan đến nội dung này theo chiều dài lịch sử, đến trước thời sử dụng DSM - Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, công cụ phân loại và chẩn đoán do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) xuất bản.
Các thuật ngữ về "tự kỷ"
Lịch sử phát triển
Chẩn đoán tự kỷ hoàn toàn dựa trên việc lượng giá lâm sàng trong sự vắng mặt của các dấu ấn sinh học (biomarker). Các đánh giá tham khảo hiện tại dựa vào những công cụ đã được chuẩn hóa và được biết đến nhiều nhất đó là Phỏng Vấn Chẩn Đoán Tự Kỷ – Cải Biên (Autism Diagnostic Interview-Revised – ADI-R) và Bảng Quan Sát Chẩn Đoán Tự Kỷ (Autism Diagnostic Observation Schedule – ADOS). ADI-R bao gồm sự phỏng vấn phụ huynh để lượng giá tiền sử của trẻ với sự tập trung vào lĩnh vực tương tác xã hội, giao tiếp xã hội, và những hành vi lặp đi lặp lại.
ADOS bao gồm một sự lượng giá trẻ trong những trình tự chuẩn hóa về chơi và phỏng vấn. Những công cụ này được phát triển với mục đích cơ bản là cung cấp một chẩn đoán phân loại (categorical diagnosis), chúng cho phép việc cân nhắc xem là có sự hiện diện hay không của tự kỷ, mặc dù khái niệm về tự về bản chất chưa bao giờ được xác nhận rõ ràng và có sự thay đổi rất nhiều kể từ lần đầu tiên mà nó được miêu tả.
Trước khi thuật ngữ tự kỷ được đề cập bởi các nhà tâm thần học, thì trường hợp “tự kỷ” đã được biết đến trước đó. Thực tế thì vào đầu thế kỷ 12, một trong những đệ tử của thánh Francis ở Assisi, đạo hữu Juniper, đã được mô tả như một người đàn ông tuyệt đối lương thiệt và thật thà, không thể đo lường được những hậu quả của hành động của anh ta. Với tên thường gọi là “đồ chơi của Thượng Đế” (toy of God), anh ta bị chế diễu vì những hành vi ngớ ngẫn, quá mức của mình.
Vào cuối thế kỷ 18, Victor, đứa trẻ hoang dã tại Aveyron, theo như những thông tin quý báu được cung cấp bởi bác sĩ Itard, đã có những sự thay đổi liên lục về tương tác xã hội, những vận động nhún nhảy lặp đi lặp lại, một sự nhận biết cảm giác đặc biệt sau vài năm giáo dục.
Thuật ngữ “autism” – tự kỷ, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “autós” hay là “bản ngã (self), tự” được sử dụng lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 20 bởi Eugen Bleuler, nhà tâm thần học người Thụy Sĩ, để mô tả hiện tượng thu rút xã hội, mất khả năng tiếp xúc với thực tại được quan sát thấy ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Năm 1943, nhà tâm thần học trẻ em Leo Kanner (người lập ra ra khoa tâm thần học trẻ em đầu tiên ở bệnh viện tại bệnh viện Johns Hopkins, ở Baltimore, USA) đã đề xuất sử dụng thuật ngữ này để mô tả một rối loạn ở trẻ em, không cùng tồn tại với tâm thần phân liệt. Trong bài báo khoa học của mình với nhan đề “Những rối loạn tự kỷ của liên hệ cảm xúc” (Autistic disturbances of affective contact), ông đã mô tả 11 trẻ em bao gồm 8 trai 3 gái, độ tuổi từ 2-11, tất cả với sự mô tả là “bẩm sinh không có khả năng để hình thành những liên hệ cảm xúc về mặt sinh học một cách bình thường với người khác” (innate inability to form the usual, biologically provided affective contact with people) và “mong muốn một ám ảnh, lo lắng về sự duy trì của sự giống nhau” (anxiously obsessive desire for the maintenance of sameness).
Mặc dù một số trẻ em đã được chẩn đoán trước đó là tâm thần phân liệt, Kanner đã chỉ ra rằng những sự thu rút (withdrawal) ở các trẻ này khác với sự thu rút được mô tả trong tâm thần phân liệt ở chuyện nó (sự thu rút ở các trẻ em mà Kanner mô tả) khởi phát từ những năm đầu đời trong khi đó ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, người lớn hoặc trẻ em, cho thấy một sự phát triển bình thường theo sau bởi những thay đổi trong hành vi của họ và thu rút xã hội tiến triển (progressive social withdrawal).
Độc lập với công việc này, vào năm 1944 bác sĩ tâm thần người Áo, Hans Asperger sử dụng thuật ngữ “bệnh thái nhân cách tự kỷ” (autistic psychopathy) để mô tả 4 bé trai tuổi 6-11, những trẻ này cho thấy một sự suy kém cơ bản dẫn đến khó khăn trong việc hòa nhập xã hội một cách bình thường, tuy nhiên được bù đắp bởi sự độc đáo (originality) về tư duy và kinh nghiệm, và có thể dẫn đến những thành tựu nỗi bật về sau. Bài báo cáo này được ông viết bằng tiếng Đức và không được ai biết đến trong một thời gian dài. Năm 1981, nhà tâm thần học người Anh, Lorna Wing đã đem điều này công bố đến rộng rãi người đọc. Đáng chú ý là dựa vào việc những sự mô tả của Asperger và 34 ca khác từ phòng khám mà bà quản lý, bà đã đề xuất một định nghĩa về hội chứng Asperger.
Trong bài báo năm 1943, Kanner mô tả chi tiết các đặc tính của bệnh nhân của ông nhưng ông không hình thành tiêu chuẩn chẩn đoán. Năm 1956, nhà tâm thần học người Mỹ Leon Eisenberg đã xác định hai tiêu chuẩn chẩn đoán mà ông cho là tối cần thiết:
- Sự thiếu nặng nề về việc liên hệ cảm xúc
- Hành vi nghi thức, rập khuôn phức tạp
Năm 1978, giáo sư tâm thần học trẻ em đầu tiên ở Anh và là một trong những người đầu tiên phát triển tâm lý học trẻ em, Michael Rutter đã đưa ra 4 tiêu chuẩn để xác định tự kỷ:
- Suy kém về mặt phát triển xã hội, không khớp (match) với mức độ trí tuệ của trẻ
- Chậm và lệch lạc (deviant) ngôn ngữ, không tương đồng với mức độ trí tuệ của trẻ
- Một nhu không thay đổi (immuability/ immutability) dẫn đến những trò chơi rập khuôn, những sự bận tâm không bình thường, và sự phản khán sự thay đổi.
- Khởi phát trước 30 tháng.
Về vấn đề tên gọi, tiêu chuẩn chẩn đoán của tự kỷ đã trải qua rất nhiều cuộc tranh cãi và thay đổi. Năm vào những năm 1960, lĩnh vực tâm thần trẻ em chưa đưa ra được tiêu chuẩn chẩn đoán cho “rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ” (psychoses of infancy) và đã tạo nên nhiều tranh cãi, mâu thuẩn về việc chẩn đoán, lượng giá, điều trị cho rối loạn này.
Ths. Nguyễn Bảo Ân tổng hợp.
Tài liệu tham khảo
- American Psychiatric Association (2000), Diagnostic and statistical manual of mental disorders (4th ed., text rev.), Washington DC
- American Psychiatric Association (2013), Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed), Washington DC
- Anita Riecher-Rössler, Norman Sartorius (2015), Key Issues in Mental Health – Vol. 180: Autism Spectrum Disorders – Phenotypes, Mechanisms and Treatments, Karger Publishers
- Dante Cicchetti, Donald J. Cohen (2006), Developmental Psychopathology Second Edition, Volume Three: Risk, Disorder, and Adaptation, Wiley Publishers
- Johnny L. Matson, Peter Sturmey, Jonathan Tarbox, Dennis R. Dinxon (2014), Autism and Child Psychopathology series – Handbook of Early Intervention for Autism Spectrum Disorders – Research, Policy, and Practice, Springer Publishers.
-
Laura Carpenter (2013), DSM-5 Autism Spectrum Disorder – Guidelines and Criteria Exemplars