Dịch vụ
Giới thiệu chung
PHÒNG KHÁM CHỐNG RỐI LOẠN GIẤC NGỦ VÀ STRESS TP.HCM
NHỮNG ĐIỀU ĐẶC BIỆT VỀ CUỘC ĐỜI SIGMUND FREUD - CHA ĐẺ CỦA NGÀNH PHÂN TÂM HỌC .
07/11/2022 22:36
1. Như nhiều nhà khoa học, trí thức thành danh khác, ông là người Do Thái.
2. Mặc dù nổi tiếng là một Nhà tâm lý học nhưng Freud xuất thân là một Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, ông từng làm việc với sự dẫn dắt của BS Thần kinh nổi tiếng nhất thời bấy giờ - Charcot. Freud từng có công trình nghiên cứu về sự khác biệt giữa tế bào thần kinh người và tế bào thần kinh của ếch.
3. Từ chuyên khoa Thần kinh ông dần chuyển hướng sự quan tâm đến Tâm thần học, và cuối cùng là Tâm lý học.
4. Chính BS Thần kinh lỗi lạc Charcot là người đã gieo những hạt mầm đầu tiên trong tâm trí Freud về tâm lý học khi đưa ra các đánh giá rằng tâm trí có thể kết đọng lại thành những triệu chứng thể chất ở người bệnh (cơ sở nền tảng của các RL lo âu, RL dạng cơ thể, chứng hysteria).
5. Freud có một cuộc đời nhiều thăng trầm: khi sống trong giai đoạn u ám của lịch sử nhân loại: Thế chiến thế giới thứ nhất, và khi thế giới đến bên lề Thế chiến lần thứ Hai cũng là lúc ông ra đi. Ông chịu đựng sự bài trừ Do Thái trong xã hội từ khi còn bé. Con gái ông - Sophie qua đời khi còn trẻ trong dịch Cúm càn quét khắp Âu Châu, sau đó là cháu ngoại mà ông rất yêu quý mất vì lao phổi. Thời điểm đó, ông cũng chịu đựng đau đớn từ nhiều ca phẫu thuật liên tiếp vì ung thư vòm họng.
6. Ông là một người lao động làm việc say mê, ngay cả trong những năm tháng cuối đời sức khoẻ kém ông vẫn làm việc miệt mài. Trước đó, ông được mô tả là thường làm phòng mạch từ 7h sáng đến 7h tối.
7. Việc ông đưa Phân tâm học trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới là một việc làm có chủ đích, tính toán. Ông có tham vọng về tài chính và danh vọng cá nhân. Với những nền tảng lý thuyết thành công đã xây dựng được ông bắt đầu xây dựng và phát triển một phong trào. Ban đầu là một nhóm Hội thảo tại nhà riêng vào mỗi thứ Tư, sau này được gọi là Hội tâm lý học Thứ Tư, dần phát triển và cải tổ thành Hội phân tâm học Vienna; thành lập thêm Hội phân tâm học Berlin, liên hiệp hội Phân tâm học quốc tế (IPA), Hội phân tâm học Lodon, Hội phân tâm học Anh,..
8. Ông có những môn đệ xuất sắc. Có thể nói trong lịch sử hiếm có vĩ nhân nào có nhiều môn đệ xuất sắc như Freud – những môn đệ do ông lựa chọn và là những người có công giúp ông phát triển Phân tâm học ở tầm quốc tế. Đa phần những môn đệ của ông là các BS tài năng về thần kinh, BS tâm thần, luật sư, thần đồng,.. có thể kể đến Karl Abraham chủ tịch IPA, người thành lập Hội phân tâm học Berlin. Alfred Adler – sau này là cha đẻ trường phái Tâm lý học cá nhân. Carl Jung – sau này là cha đẻ của trường phái Tâm lý học phân tích. Otto Rank một thần đồng trí tuệ, những bài báo về Phân tâm học của ông chỉ đứng sau Freud. Và còn nhiều môn đệ kiệt xuất khác nữa,.. có thể nói sự lan rộng của Phân tâm học là một trường hợp đặc biệt khi Frued đã có nhiều môn đệ xuất chúng.
9. Sự đỗ vỡ của các mối quan hệ : về sau này, gần như hầu hết các mối quan hệ của ông với những người bạn thân, cộng sự một thời, môn đệ hầu hết đều bị gãy đỗ.
10. Nguyên lý cốt lõi trong phân tâm học và đóng góp lớn nhất của Freud cũng như PTH đó là đưa ra vai trò của cái Vô thức. Theo Freud có thể hiểu căn nguyên của các RL Tâm lý nằm ở phần Vô thức, muốn tìm hiểu phần vô thức này thì chọn lúc khi phần Ý thức nghỉ ngơi đó là lúc ngủ, do đó ông có một công trình là Giải mã giấc mơ – hay là cách ông tiếp cận đến phần Vô thức.
11. Tính dục là một lý thuyết quan trọng nhất trong PTH, ông từng bị nhạo báng là “sexpert” – một kiểu chơi chữ “expert”. Sự đè nén bản năng tình dục được ông luận giải và đóng vai trò quan trọng cốt lõi trong nhiều tiểu luận và hệ thống lý thuyết của PTH. Ông có sự bận tâm nhiều về tình dục tuy nhiên đời sống TD của ông, theo y văn, có thể khá nhàm chán.
12. Ông nghiện xì gà, khoảng 20 điếu xì gà/ngày, ông cho biết không có xì gà ông không thể làm việc được, cuối đời ông bị Ung thư hàm mặt, vòm họng và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Phần hàm của ông gần như bị cắt bỏ hoàn toàn và được thay thể nhân tạo, ông nói và nuốt khó, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục hút xì gà và làm việc tận tuỵ đến những ngày cuối đời. Trong bức hoạ chân dung ông mọi người có thể thấy tay ông đang cầm một điếu xì gà.
13. Về tính cách, ông có đầy đủ tính cách của một vĩ nhân, một nhà cách mạng. Ông dũng cảm đưa ra nhiều học thuyết mới, bảo chứng cho học thuyết, đương đầu với vô số chỉ trích và đôi khi là sự nhạo báng. Ông thách thức nhiều hệ tư tưởng đương thời,và cũng là một nhà phản biện xuất sắc. Ông đặt ra những khái niệm cho phép chúng ta nhìn thế giới khác đi. Nên nhớ rằng trong suốt cuộc đời xuất bản của mình, nhiều tác phẩm của ông không được đón nhận nồng nhiệt từ ban đầu, vấp phải rất nhiều sự chỉ trích, phê bình; thậm chí nặng nề hơn, giới khoa học hoài nghi liệu ông có phải là nhà khoa học? Và cách ông nghiên cứu có phải là phương pháp khoa học? Ông bị chê bai là quá chủ quan và thiếu chứng cứ. Tuy nhiên, trong nhiều công trình nghiên cứu cẩn thận, các nhà KH đã tìm ra nhiều giá trị quan trọng trong các công trình của ông. Sự tranh luận về PTH chưa bao giờ dừng lại, nhưng sự đóng góp của PTH cho Tâm lý học là không thể bàn cãi. Ông đã có một cuộc đời làm việc say mê, không ngừng nghỉ từ khi là một cậu sinh viên Y khoa cho đến những giây phút tuổi bệnh tật cuối đời.
14. Nhiều thuật ngữ như cái vô thức, cái tôi, cái siêu tôi, ái kỷ, phức cảm Oedipus, tính dục (libido), hysteria, giải mã giấc mơ,.. trở nên phổ biến là do sức ảnh hưởng của Freud đối với văn hoá hiện đại. Tên tuổi ông thấm vào nền văn hoá đại chúng và lan rộng hơn tầm ảnh hưởng của một Tâm lý gia.
Bs Lê Duy tổng hợp.
Bài viết cùng danh mục