LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI (CBT)

10/10/2019 09:37

Trường phái nhận thức - hành vi (CBT) là một hình thức chữa trị mang tính chất phối hợp và pha trộn giữa các liệu pháp nhận thức (cognitive therapy) (CT), liệu pháp hành vi cổ điển (behavioral therapy) (BT) và liệu pháp duy lý cảm xúc hành vi (Rational Emotive Behavior Therapy) (REBT) của nhà tâm lý Albert Ellis.

CBT có thể áp dụng hiệu quả ở các Rối loạn trầm cảm, lo âu mức độ nhẹ, Rối loạn căng thẳng sau chấn thương,..

Nhưng dù cho có sự phối hợp, các liệu pháp này vẫn luôn có sự phân biệt rõ ràng về mặt lý thuyết. Từ nguyên thủy, liệu pháp nhận thức và liệu pháp duy lý cảm xúc hành vi, ngoài một vài khác biệt về kỹ thuật tiếp cận, đều chỉ tập trung vào việc sửa đổi phần tư duy, nhận thức của cá nhân. Nói rõ hơn, phương thức và kỹ thuật của hai liệu pháp này là làm sao cho tái cấu trúc những nếp suy nghĩ đã gây ra các hành vi, ứng xử và cảm xúc sai trái, bất thường và bệnh lý cho cá nhân.

Ngược lại, liệu pháp hành vi lại chỉ tập trung vào việc sửa đổi hành vi chứ không quan tâm đến việc sửa đổi tư duy, nhận thức. Phương pháp và kỹ thuật sửa đổi của liệu pháp hành vi đặt căn bản trên việc sử dụng các lý thuyết về hoc tập (learrning theory) của Bandura, lý thuyết điều kiện hóa thao tác (operant conditioning) của Skinnerlý thuyết điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning) của Pavlov.

Nói rõ hơn, CBT là một tập hợp và pha trộn của các phương thức và kỹ thuật trị liệu đã có sẵn trong các liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi và liệu pháp cảm xúc duy lý hành vi. Trong đó, các phương thức và kỹ thuật trị liệu chủ yếu thường được áp dụng gồm có: sửa đổi nếp suy nghĩ sai trái và lệch lạc của cá nhân, thay đổi lòng tin sai lệch, huấn luyện các kỹ thuật tự điều hành (self-control techniques), kỹ thuật phòng chống stress (stress inoculation training), kỹ thuật phản hồi sinh học (biofeedback techniques), kỹ thuật giải cảm có hệ thống (systematic, desensitization), kỹ thuật điều kiện hóa thao tác (operant conditioning techniques), kỹ thuật kê đơn nghịch lý (paradoical prescribing), kỹ thuật làm theo hình mẫu (modeling techniques),v.v

Tuy rằng CBT có những phương cách và kỹ thuật tiếp cận đa dạng, nhưng tựu trung tất cả những kiểu cách này đều có những thuộc tính chung nhất. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ trị liệu luôn cần có sự cộng tác chặt chẽ giữa hai đối tượng, luôn tập trung vào nỗ lực làm sao thay đổi được cả hai khía cạnh nhận thức và hành vi của thân chủ. Nội dung và tiến trình trị liệu để mang lại thành quả cho mục tiêu đề ra trong hợp đồng trị liệu, và sau hết là khung thời gian trị liệu của CBT thường ngắn hơn so với các loại liệu pháp khác, trung bình là từ 15-20 phiên gặp.

BS Lê Duy trích dẫn từ Chương 13 sách Tâm lý trị liệu  của tác giả TS Phạm Toàn.

Thứ hai - Thứ sáu: 17:00 - 20:00. Thứ bảy: 8:00 - 17:00 Chủ nhật nghỉ
chat facebook